GÓP Ý KIẾN VỀ CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ (2025-2030)

 

GÓP Ý KIẾN VỀ CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN

KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ (2025-2030)

1. GS.TSKH.VS.NGƯT Đinh Văn Nhã - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Đào tạo OMEGA, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, Đại học Công nghệ Đông Á.

2. TS. Đinh Nhật Anh, Bộ Tài chính

3. TSKH(Hon.UK), Ths. Đinh Thị Lan Anh - Đại học Bách khoa Hà nội

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, để thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó, xác định công nghệ số là động lực thúc đẩy phát triển, làm thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cơ quan nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân. Chính phủ số dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, phát triển các yếu tố nền tảng mang tính tạo nền móng cơ bản, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số là một thành phần không tách rời của nền kinh tế quốc dân, được 2 hình thành dựa trên việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm tư liệu sản xuất chính, sử dụng môi trường số và nền tảng số làm không gian hoạt động chính.

Kinh tế số bao gồm ba thành phần:

- Kinh tế số công nghệ thông tin - viễn thông bao gồm công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông;

- Kinh tế số nền tảng bao gồm hoạt động kinh tế của các nền tảng số và các hệ thống thông tin kết nối cung - cầu thông qua mạng Internet;

- Kinh tế số ngành - lĩnh vực bao gồm hoạt động kinh tế của ngành, lĩnh vực thực hiện ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số hoặc thực hiện trên các nền tảng số và các hệ thống thông tin kết nối cung - cầu thông qua mạng Internet. Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hoá số. Kinh tế số và xã hội số là hai mặt không tách rời của quá trình chuyển đổi số cả ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương. Phát triển kinh tế số mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành xã hội số. Trong phát triển xã hội số, người dân thành thạo kỹ năng số sẽ hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ số, từ đó nuôi dưỡng các doanh nghiệp công nghệ số.

2. Phát triển kinh tế số và xã hội số trên cơ sở phát huy những lợi thế đặc thù của Việt Nam với hệ thống chính quyền bốn cấp, thống nhất chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, mạng lưới tuyên truyền rộng khắp, có khả năng huy động và triển khai hiệu quả các chương trình mang tính toàn dân, là thị trường tiêu dùng lớn gần 100 triệu dân với các nhu cầu đặc thù riêng biệt mà doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế tự nhiên để thực sự thấu hiểu.

3. Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số và xã hội số là thông qua các nền tảng số Make in Viet Nam để nhanh hơn, hiệu quả hơn, chủ động hơn. Điểm cốt lõi của phát triển kinh tế số là tìm kiếm và phát triển các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực. Điểm cốt lõi của phát triển xã hội số là tìm kiếm và phát triển các nền tảng số quốc gia phục vụ đào tạo nhân lực và phổ cập kỹ năng số cho người dân.

4. Phát triển kinh tế số và xã hội số gắn liền với phát triển và bảo vệ không gian mạng quốc gia, xây dựng và củng cố vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ người dân, doanh nghiệp trước những tác nhân xấu, xâm hại tới lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ trẻ em và các đối tượng yếu thế trên môi trường mạng, bảo vệ quyền riêng tư hài hòa với phát triển kinh tế số và xã hội số dựa trên dữ liệu.

5. Nhà nước kiến tạo thị trường bằng chính sách, thể chế thúc đẩy cung cấp, sử dụng dịch vụ trực tuyến, mô hình kinh doanh mới; tuyên truyền, phổ biến kỹ năng số cho người dân; đầu tư cho hạ tầng, nền tảng, các dịch vụ cơ bản, tạo niềm tin cho người dân khi tham gia vào các hoạt động trên môi trường số.

II. TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số với kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GDP vào năm 2030, tạo nền móng vững chắc để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, xã hội số an toàn, nhân văn, rộng khắp, cải thiện chất lượng cuộc sống, người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn, góp phần giải quyết các vấn đề thiên niên kỷ về phát triển bền vững, bao trùm.

III. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025 Tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 10%, trong đó mục tiêu cụ thể tạo nền móng phát triển kinh tế số và xã hội số như sau:

1. Phát triển hạ tầng số

a) Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% hộ gia đình;

b) Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% trường học;

c) Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% bệnh viện;

d) Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% xã;

đ) Tỉ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G đạt 100%;

e) Tỉ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 100%;

g) Trên 05 doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam đạt chuẩn quốc tế;

h) Thị phần doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam đạt 75%;

i) Tỉ lệ chuyển đổi từ IPv4 sang thuần IPv6 trên toàn quốc đạt 100%.

2. Phát triển dữ liệu số

a) Cơ sở dữ liệu quốc gia về người dân, doanh nghiệp, đất đai đạt 100%;

b) Tỉ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đạt 100%;

c) Tỉ lệ dữ liệu số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 50%;

3. Phát triển danh tính số

a) Tỉ lệ dân số có danh tính số đạt 70%;

b) Mỗi danh tính số trung bình phát sinh 100 lượt sử dụng mỗi năm.

4. Phát triển thanh toán số

a) Tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80%;

b) Tỉ lệ thanh toán thương mại điện tử không dùng tiền mặt đạt 50%;

c) Tỉ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không dùng tiền mặt đạt 75%;

d) Tỉ lệ điểm bán hàng hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 90%.

5. Phát triển kỹ năng số

a) Tỉ lệ công nhân tuyển dụng mới được đào tạo kỹ năng số đạt 70%;

b) Tỉ lệ công nhân được đào tạo lại, đào tạo nâng cấp kỹ năng đạt 70%;

c) Tỉ lệ nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 50%;

d) Tỉ lệ học sinh phổ thông, sinh viên được đào tạo kỹ năng số đạt 100%;

đ) Tỉ lệ người dân có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt 70%;

e) Tỉ lệ người dân mua hàng trên các sàn thương mại điện tử đạt 90%;

6. Phát triển nhân lực số

a) Tỉ lệ học sinh phổ thông tiếp cận với STEM/STEAM đạt 70%;

b) Tỉ lệ sinh viên ngành đào tạo liên quan đến STEM/STEAM đạt 30%;

c) Tổng số nhân lực công nghệ số Việt Nam đạt 1,5 triệu người;

d) Triển khai thí điểm 05 đại học số tại Việt Nam.

7. Phát triển doanh nghiệp số

a) Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt 100.000 doanh nghiệp;

b) Tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nền tảng chuyển đổi số đạt 75%;

c) Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng tên miền.vn đạt 75%;

d) Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử đạt 100%.

8. Phát triển môi trường số an toàn, lành mạnh

a) Tỉ lệ làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng đạt 100%;

b) Tỉ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt 80%;

c) Tỉ lệ tổ chức triển khai bảo vệ 4 lớp ở mức chuyên nghiệp đạt 100%;

d) Tỉ lệ tên miền .gov.vn được đánh giá tín nhiệm mạng đạt 100%;

9. Cải thiện xếp hạng quốc gia

a) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);

b) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI);

c) Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII);

d) Việt Nam thuộc nhóm 20 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực số và phát triển kinh tế số, xã hội số trong giáo dục và đào tạo.

b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa Khung/Chuẩn kỹ năng số cho người sử dụng áp dụng vào các cấp học phổ thông và đại học phù hợp với hình thức, đối tượng và hỗ trợ học tập suốt đời.

Các trường học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a) Căn cứ vào Nội dung Chiến lược để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển kinh tế sos, xã hội số.

b) Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu, bổ sung vào chương trình đào tạo các bộ môn chuyên ngành, nội dung kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam trong 05 – 10 năm tới. c) Huy động tối đa các nguồn lực hiện có, kết hợp với các chương trình, dự án khác, khai thác hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước để đào tạo kỹ sư, cử nhân, kỹ sư thực hành, cử nhân thực hành về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.

d) Tăng cường hàm lượng thực hành trong đào tạo các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, đưa các nền tảng số, công nghệ số, đặc biệt là các nền tảng số của Việt Nam, công nghệ mở vào giới thiệu trong các chương trình đào tạo để sinh viên có điều kiện thực hành và tiếp cận thực tế.

đ) Tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện, tham gia xây dựng và triển khai thí điểm đại học số.

III. QUAN ĐIỂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG VỀ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030.

Định hướng phát triển Kinh tế số, Xã hội số ở Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030 cần bám sát 3 phương châm là:

1. Lấy phát triển nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao làm khâu đột phá;

2.Tận dụng hiệu quả ngoại lực để tăng cường nội lực. Nội lực phải trở thành nòng cốt và chủ yếu, ngoại lực giữ vai trò quan trọng;

3. Lấy việc nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước để từng bước vững chắc mở rộng sang thị trường khu vực và toàn cầu làm khâu quyết định.

Một số quan điểm cơ bản khi xây dựng các giải pháp, chính sách phát triển Kinh tế số, Xã hội số là:

1. Phát triển Kinh tế số, Xã hội số phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0;

2. Phát triển Kinh tế số, Xã hội số trên cơ sở phát huy tổng hợp nguồn lực của các thành phần kinh tế, trong đó vai trò của Chính phủ trong việc đầu tư phát triển năng lực công nghệ nội sinh của đất nước và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp đồng bộ là một trong những yếu tố quyết định thành công của ngành công nghiệp này. Lấy đầu tư nước ngoài làm nguồn lực để tăng cường nguồn vốn, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt chú trọng việc liên kết với các tập đoàn đa quốc gia là yếu tố quan trọng;

3. Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo giữ vị trí then chốt, là khâu đột phá trong phát triển công nghiệp quốc gia nói chung, Kinh tế số, Xã hội số nói riêng. Tận dụng hiệu quả lợi thế của nước đi sau trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là cuộc CMCN 4.0 để có cách tiếp cận, đi tắt, đón đầu một cách hợp lý;

4. Kết hợp hài hòa giữa phát triển Kinh tế số, Xã hội số theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm. Tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của đất nước để phát triển Kinh tế số, Xã hội số thành một trong những ngành có năng lực cạnh tranh quốc tế;

5. Yếu tố quan trọng trong phát triển Kinh tế số, Xã hội số Việt Nam trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu.

Các định hướng phát triển Kinh tế số, Xã hội số Việt Nam tập trung vào những nội dung chính là: (i) đầu tư phát triển ngành; (ii) nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm và công nghệ; (iii) thị trường; (iv) nguồn nhân lực.

IV. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ ĐẾN NĂM 2030:

4.1. Đề xuất chính sách:

1. Chính sách phát triển và nâng cao năng lực sáng tạo, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp Kinh tế số, Xã hội số đặc biệt là các sản phẩm và hệ thông minh

2. Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp SXKD các sản phẩm Kinh tế số, Xã hội số

3. Chính sách tín dụng đầu tư

4. Chính sách thuế

5. Chính sách kích cầu

6. Chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

7. Chính sách khuyến khích chuyên gia nước ngoài và Việt kiều

4.2. Đề xuất giải pháp:

1. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

- Xây dựng và định hình Kinh tế số, Xã hội số Việt Nam trở thành một ngành hoàn chỉnh trong danh mục các ngành công nghiệp của Việt Nam với đầy đủ các chức năng, vai trò, nhiệm vụ cụ thể cùng với các tiêu chí, chỉ số thống kê về tình hình hoạt động của ngành công nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, định hướng phát triển Kinh tế số, Xã hội số của Việt Nam một cách bài bản và khoa học;

- Thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng, ban hành chính sách đến khâu triển khai thực hiện theo hướng minh bạch trong quản lý, bớt các thủ tục hành chính; nghiên cứu, xây dựng và công bố Chiến lược, Kế hoạch hành động phát triển cụ thể và khả thi cho Kinh tế số, Xã hội số, định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu sản xuất và đòi hỏi của thị trường; huy động tối đa sự tham gia của Chính phủ - doanh nghiệp - nhà khoa học vào toàn bộ quá trình xây dựng, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện Kế hoạch hành động, cũng như đánh giá hiệu quả phát triển ngành;

- Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển Kinh tế số, Xã hội số;

- Tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả.

2. Nhóm giải pháp về vốn đầu tư

Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực về tài chính và công nghệ, tạo những kênh cấp vốn góp phần thúc đẩy việc đưa Kinh tế số, Xã hội số vào cuộc sống. Hoàn thiện chính sách bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, đồng thời nới rộng mức tham gia của các cá nhân, pháp nhân nước ngoài vào các doanh nghiệp Kinh tế số, Xã hội số có góp vốn ở trong nước.

3. Nhóm giải pháp về xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ cho Kinh tế số, Xã hội số:

Xây dựng chính sách thích hợp nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực Kinh tế số, Xã hội số trên nền tảng các công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao; hoàn thiện chính sách pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp; khuyến khích nghiên cứu về Kinh tế số, Xã hội số.

4. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực

Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thiết kết các sản phẩm Kinh tế số, Xã hội số; thiết lập các chính sách ưu đãi về kinh phí, cấp các nguồn học bổng, tận dụng học bổng của nước ngoài, bảo đảm việc làm,… nhằm thu hút các sinh viên xuất sắc theo học ngành này; đầu tư bổ sung cho các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật để các đơn vị này có kinh phí thường xuyên cập nhật, bổ sung, cải tiến, hiện đại hoá chương trình đào tạo; đầu tư các phương tiện giảng dạy; khuyến khích áp dụng mô hình đào tạo liên kết 3 bên, bao gồm doanh nghiệp - viện, trường - cơ quan quản lý nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao theo yêu cầu của doanh nghiệp.

5. Nhóm giải pháp về sản phẩm trọng điểm:

- Xây dựng Chương trình phát triển sản phẩm trọng điểm trong Kinh tế số, Xã hội số đồng bộ với các chính sách ưu đãi đầu tư;

- Ban hành các cơ chế khuyến khích đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, các quy định về tỷ lệ chi phí R&D tối thiểu cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các sản phẩm Kinh tế số, Xã hội số thông minh trên nền tảng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0.

6. Nhóm giải pháp về thị trường:

- Tạo lập thị trường lành mạnh, thông thoáng, thuận lợi, có khả năng tự điều tiết theo quy luật cung - cầu; đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho Kinh tế số, Xã hội số Việt Nam.

- Tạo môi trường cho các nhà khoa học và doanh nghiệp được gặp gỡ, trao đổi và hợp tác trong nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao. Tạo các sân chơi chuyên ngành cho doanh nghiệp tham gia học hỏi nâng cao chuyên môn, kinh nghiệm.

- Ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm Kinh tế số, Xã hội số phù hợp với quy định hiện hành làm căn cứ để kiểm tra chất lượng các sản phẩm Kinh tế số, Xã hội số sản xuất trong nước và nhập khẩu, đồng thời để ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm Kinh tế số, Xã hội số từ bên ngoài khi các nhà máy sản xuất các sản phẩm Kinh tế số, Xã hội số và hệ Kinh tế số, Xã hội số 100% vốn trong nước đi vào hoạt động.

7. Nhóm giải pháp về công nghiệp hỗ trợ

- Xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho Kinh tế số, Xã hội số bao gồm thuế, tiền thuê đất, chi phí đào tạo, hỗ trợ thông tin, thủ tục hành chính một cửa, v.v…;

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển Kinh tế số, Xã hội số trong hệ thống cơ sở dữ liệu cho toàn ngành công nghiệp và các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn Việt Nam;

8. Nhóm giải pháp về phát triển theo hướng:

- Định hình và quy hoạch phát triển Kinh tế số, Xã hội số Việt Nam với các liên kết chặt chẽ và hiệu quả, bảo đảm hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của các doanh nghiệp Kinh tế số, Xã hội số từ khâu nghiên cứu thiết kế, nguyên vật liệu, linh kiện đầu vào đến phân bổ mạng lưới kinh doanh, marketing.

- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ của Chính phủ với mục tiêu tạo lập những điều kiện thuận lợi cho phát triển các cluster, cụ thể là: (i) tổng hợp, thu thập và phân loại thông tin cluster, (ii) hình thành nhóm gồm đại diện của nhiều cơ quan, (iii) khuyến khích của Chính phủ với các ứng dụng chung, (iv) xem xét và cải cách các quy định và thuế thu nhập.

Đẩy nhanh sửa đổi các quy định trên, biến tiềm năng thành động lực thực sự, những kết quả KHCN trong nước trong thời gian qua đã góp phần rất hiệu quả cho công tác phòng chống Covid 19, trong đó có việc sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm.

Cần áp dụng cơ chế đặc thù trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh trong đó KHCN đóng vai trò dẫn dắt đột phá. Cần có chính sách tốt đầu tư, khuyến khích mạnh những Đề án, Dự án có tầm cỡ chiến lược phát triển mạnh cho đất nước trong giai đoạn hiện nay : Phát triển mạnh công nghệ Nano, Công nghệ Robot, ứng dụng AI, IOT… trong Kinh tế số, Xã hội số, Đất nước ta sẽ không nghèo, thậm chí rất giàu nếu có Chính sách KHCN của Nhà nước đúng, đủ tầm để hòa nhập với thời đại CMCN 4.0. Biến nó thành lực lượng KHCN có đủ sức mạnh, động lực, khát vọng cho Việt Nam phát triển bền vững, hùng cường.

Tôi đồng ý ủng hộ cách đặt vấn đề, quan điểm, hàm mục tiêu… chiến lược Quốc gia để phát triển Kinh tế số, Xã hội số. Nó là vấn đề cấp bách, cần thiết, phù hợp với giai đoạn tang tốc phát triển đất nước để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại CMCN 4.0.